Cổ nhân dạy: Điều ngu ngốc nhất của đời người mà ai cũng mắc phải

Last modified date

Comments: 0

Điều ngu ngốc nhất của đời người theo lời dạy của cổ nhân lại chính là hành động mà rất nhiều người mắc phải mỗi ngày. Việc làm thừa thãi đó là nguyên nhân khiến cuộc đời người ta mãi không khá lên được.

  1. Điều ngu ngốc nhất của đời người là OÁN TRỜI TRÁCH NGƯỜI
  2. Gặp chuyện không than trách là tu dưỡng cao nhất
  3. Tự ngẫm lại bản thân mới có thể đạt được hết thảy

Con người sống trên đời này, sẽ chẳng thể tránh được những muộn phiền, xích mích với nhau. Gặp phải những rắc rối đó, chúng ta thường có thói quen than trời trách đất.

Ai cũng than thở, oánh trách ông trời bất công mà chẳng mấy người tự nhìn lại bản thân xem mình đã làm đúng hay chưa? Đây chính là điều ngu ngốc nhất của đời người nhưng đáng tiếc hầu hết chúng ta đều mắc phải.

Gặp bất cứ chuyện gì cũng không oán trời trách đất, trước hết phải tìm ra nguyên nhân từ chính bản thân mình, đó mới chính là tu dưỡng cao nhất của đời người.

1. Điều ngu ngốc nhất của đời người là OÁN TRỜI TRÁCH NGƯỜI

Lão Tử có nói: “Đại đạo chi hành, bất trách vu nhân”. Tức là, người thật sự xuất sắc sẽ hiểu được rằng mỗi khi gặp rắc rối lại trách cứ người khác là một việc làm vô dụng.

Có rất nhiều người khi gặp điều không như ý bèn quay ra oán trời trách đất, oán than con người thế gian không giúp đỡ, oán trách cả xã hội, bạn bè, thân quyến. Đây là một thói quen rất xấu nhưng nhiều người lại không hề nhận ra.

Đó chính là điều ngu ngốc nhất của đời người. Sao không tự soi trách mình trước mà còn oán than bạn bè, họ hàng thân thuộc, trút giận lên mọi thứ xung quanh.

Người thường xuyên than phiền sẽ tích tụ oán khí trong lòng. Khi oán khí tích đủ, bầu không khí chung quanh người đó chắc chắn cũng sẽ u ám thêm.

Người như vậy cũng dần đánh mất ý chí chiến đấu và niềm tin của bản thân, làm việc gì cũng không xong, nhìn đâu cũng không thấy thuận mắt.

Cho nên, nhất định không được than phiền, than phiền chỉ mang đến những điều tiêu cực mà thôi.

Có một câu chuyện như sau:

Thời xưa, có một người có thói quen ăn sáng không cho muối vào đồ ăn.

Một sáng nọ, người vợ anh này nêm một chút muối vào trong cháo. Sau khi anh ta biết, giận lắm nhưng chuyện đã lỡ rồi, liền quay sang quát vợ: “Cô không biết tôi ăn sáng không cho muối sao? Không ăn nữa!”

Người vợ vô cùng tủi thân, lời qua tiếng lại với chồng mình.

Trong lúc hai người cãi vã, đứa con ở cạnh sợ quá khóc thét lên. Tay chân đứa bé khua khoắng chẳng may đổ hết đồ ăn lên trên bộ quần áo của cha mình.

Người đàn ông đó lại càng giận hơn. Nghĩ đến việc chút nữa phải tới thăm bạn, trong nhà lại không còn bộ quần áo sạch đẹp nào, anh ta càng thêm phiền não.

Vừa trách móc, vừa cầm miếng vải ướt lau sạch vết đồ ăn bắn lên.

Sau đó, anh ta nổi giận đùng đùng đi thẳng ra cửa, đi được một đoạn lại nhớ ra không mang theo quà tặng bạn, nhưng giờ mà quay về thì sợ không kịp nữa.

Cuối cùng, anh này đành đi tay không tới thăm bạn. Trong khi đang trò chuyện với nhau, người bạn kia cảm thấy anh này có vẻ hậm hực, thế là tâm trạng cũng không mấy vui vẻ. Cuối cùng hai người chẳng nói với nhau được mấy câu đã chia tay ra về trong không vui.

Anh chồng kia lại bắt đầu than thở: “Thật là một ngày chẳng ra làm sao cả, sao mà mọi chuyện xui xẻo lại cứ tập trung hết vào người mình cơ chứ?”

Thế nhưng người ngoài nhìn vào ai cũng đều hiểu rằng, những “chuyện xui xẻo” kia đều bắt đầu từ khoảnh khắc anh ta than phiền vì bữa sáng.

Gặp phải chuyện không được như ý, than phiền là một cách quen thuộc để con người ta phát tiết tâm tình bực dọc, bất mãn của bản thân.

Thế nhưng càng than phiền lại càng khiến năng lượng xung quanh mình xấu đi. Cứ thế lại càng dễ than trời trách đất tại sao mình lại xui xẻo.

Vòng tuần hoàn đó liên tục lặp đi lặp lại sẽ càng khiến cuộc đời thêm gay go. Muốn thành công học thói quen người thành công hãy thôi than thở.

Cuộc sống vốn không dễ dàng, thỉnh thoảng càu nhàu, bày tỏ bất mãn một hai câu cũng là việc thường tình.

Nhưng nếu cứ thường xuyên than phiền, than không ngừng nghỉ, trong bụng lúc nào cũng chứa đầy sự hậm hực, vậy thì đó không chỉ là một điều xót xa mà còn là điều ngu ngốc nhất của đời người.

2. Gặp chuyện không than trách là tu dưỡng cao nhất

Image result for khong than trach

Khổng Tử đã từng dạy: “Dĩ thứ kỷ chi tâm thứ nhân; Dĩ trách nhân chi tâm trách kỷ”, nghĩa là hãy dùng sự dễ tha thứ cho mình mà tha thứ cho người, và ngược lại, hãy lấy lòng hay trách người mà tự trách mình.

Cũng như soạn giả Joseph Joubert đã từng nói: “Hãy hiền dịu bao dung với tất cả mọi người trừ chính mình.”

Gặp phải bất cứ chuyện gì, nếu như chỉ biết trách cứ, đổ lỗi cho người khác, không tìm nguyên nhân từ bản thân thì sẽ chỉ khiến cho mọi chuyện càng thêm trầm trọng.

Một người biết tự ngẫm lại bản thân mình thì mới có thể nhìn ra những mặt tốt và mặt còn thiếu sót của bản thân. Có như thế, cuộc đời mới có thể càng đi càng rộng thênh thang.

Tất cả những khổ đau, hoạn nạn, bất công, tổn thương… đều đã được vận mệnh an bài sẵn, cuộc sống gặp khó khăn là lẽ thường.

Đối mặt với bất cứ điều gì cũng không than trách, không chỉ khiến mọi chuyện dễ giải quyết hơn mà còn thể hiện tu dưỡng của bản thân đến đâu.

Có câu rằng: “Duy khoan khả dĩ dung nhân, duy hậu khả dĩ tái vật”, nghĩa là chỉ có tấm lòng độ lượng mới có thể bao dung cho người khác, chỉ có tấm lòng phúc hậu mới có thể dung nạp cả thiên hạ.

Làm người, tấm lòng bao dung độ lượng chính là một nét tu dưỡng, cũng là một đức tính tốt. Người có thể tha thứ cho sai lầm của người khác, cũng chính là giải thoát cho lòng mình.

Con người vốn không ai là hoàn hảo, ai cũng có thời điểm phạm sai lầm. Giữa người với người chẳng thể tránh được những sự hiểu lầm.

Nhưng người biết đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương để suy xét mới là người có tấm lòng thiện lương và đức độ.

Ngưng chỉ trích, than thở về những người hay những việc ở bên cạnh, cố gắng đắp xây một trái tim bao dung, nuôi dưỡng một cái miệng biết nói lời tha thứ, bạn sẽ thấy cuộc sống càng lúc càng thuận lợi hơn.

3. Tự ngẫm lại bản thân mới có thể đạt được hết thảy

Mạnh Tử có câu: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”, nghĩa là làm không được thì phải quay lại xét mình, không nên cầu người khác. Cầu người khác, tuyệt đối sẽ chẳng bao giờ làm giống được như ý mình muốn, để tránh điều thất vọng đó thì chi bằng tự mình làm còn hơn.

Người biết tự ngẫm lại bản thân, thành tựu trong sự nghiệp chắc chắn sẽ không tồi.

Có một câu chuyện như sau:

Một nhóm binh lính mới tới doanh trại.

Theo như quy định, quân doanh sẽ phát cho mỗi binh sĩ một phần quân trang và mũ mới.

Phần quân trang này đều được phát một cách ngẫu nhiên, không căn cứ vào chiều cao cân nặng của mỗi người cho nên thường xảy ra tình huống quân phục không vừa với người của binh lính. Lúc đó, mọi người chỉ đành lựa chọn những bộ quân phục có số đo sát với người mình nhất để mặc.

Có một binh lính vắng mặt trong lúc phát quân trang, cho nên bộ quân phục mà đồng đội lấy giúp anh ta có số đo lớn hơn cơ thể anh ta rất nhiều.

Một ngày nọ, cấp trên tới kiểm tra, phát hiện ra quân phục của người lính này rất rộng so với cơ thể, mũ đội cũng rộng đến mức gần như chụp kín cả đôi mắt.

Cấp trên hỏi: “Quân phục và mũ của đồng chí sao lại lớn như vậy?”

Người lính trả lời: “Báo cáo, không phải quần áo và mũ của tôi lớn, mà do thân thể và đầu tôi quá nhỏ.”

“Thân thể và đầu đồng chí quá nhỏ không phải là do quần áo và mũ quá lớn sao?” Cấp trên hỏi tiếp.

Binh lính đáp: “Báo cáo, mẹ tôi từng dạy, thân là một người đàn ông đầu đội trời chân đạp đất. gặp phải bất kỳ chuyện gì, đầu tiên cũng phải tìm ra vấn đề của mình trước chứ không phải bới móc vấn đề khác.”

Người cấp trên nghe xong rất hài lòng với câu trả lời của anh lính mới.

Nhiều năm sau, người lính đó trở thành vị lãnh tụ cao nhất của nước Mỹ, ông chính là Dwight D. Eisenhower – một vị Thống tướng Lục quân Hoa Kỳ và là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 34.

Con người ta luôn gặp rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Nếu chuyện gì cũng đi bới móc vấn đề và sai lầm của người khác mà không tự xét lại bản thân, chẳng những không giải quyết được vấn đề mà ngược lại, càng khiến bản thân hãm sâu vào trong sự than trách và oán thán.

Người thật sự ưu tú là người hiểu được rằng cần phải tra tìm nguyên nhân từ trên người mình trước. Đó không chỉ là một nét tu dưỡng, mà còn là đỉnh cao trí tuệ của con người.

Mỗi người đều tồn tại rất nhiều khuyết điểm, đừng chỉ lúc nào cũng than trời trách đất bởi mọi việc vốn do chính ta gây ra.

Trong cuộc sống, hãy bớt một chút than phiền và chỉ trích, thêm một chút tự ngẫm lại chính bản thân mình.

Con người đều có khuyết điểm và ưu điểm, trách người chi bằng trách mình trước, than người chi bằng tự hỏi mình trước.

Cho dù làm bất cứ điều gì, hiểu được những mặt bản thân còn thiếu sót mới có thể giúp ta tránh phạm phải những sai lầm. Người nhìn ra được khuyết điểm của mình là người nghênh ngang bước tới thành công.

Than phiền không chỉ mang đến càng nhiều phiền não và áp lực cho chúng ta, mà nó còn triệt tiêu ý chí chiến đấu. Vậy nên đây chính là điều ngu ngốc nhất của đời người.

Người xưa có câu: “Tĩnh toạ thường tư kỷ qua; Nhàn đàm mạc luận nhân phi”, tức là lúc ngồi yên nghĩ lỗi của mình, lúc nói chuyện không bàn lỗi người.

Gặp phải điều không được như ý, chớ nên vội đổ lỗi, viện cớ; bình tĩnh suy ngẫm lại xem bản thân làm vậy là đúng hay chưa.

Chỉ khi đứng ở góc độ của người khác để suy xét vấn đề, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để nhìn lại bản thân thì mới có thể càng biết chính xác mình đang ở đâu.

Lão Tử giảng: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh. Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường”. Tức là, kẻ biết người được gọi là trí, tự biết mình được gọi là minh. Thắng người là người có sức mạnh, thắng mình là người mạnh.

Một người thành công phải tự biết mình và thắng được bản thân mình. Một người quản lý nếu như thiếu khả năng này sẽ rất khó để quản lý cấp dưới hữu hiệu.

Cuộc sống này thành công hay thất bại đều do chính bản thân mình quyết định. Chỉ khi tự ngẫm lại bản thân thì mới có thể giúp cho mình ngày càng thêm ưu tú.

(Theo Lam Lam/lichngaytot)

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Post comment