Hệ số lây nhiễm của virus nCoV
Giới nghiên cứu đang tính toán chính xác hệ số R0 (hệ số lây nhiễm cơ bản) để tìm hiểu một người nhiễm virus nCoV có thể lây bao nhiêu người.
Mỗi ngày trôi qua lại có báo cáo mới về số ca lây nhiễm và số người tử vong về virus 2019-nCoV. Trên thế giới đã ghi nhận gần 10.000 ca nhiễm bệnh và 213 ca tử vong do dịch viêm phổi Vũ Hán. Một trong những vấn đề đang được quan tâm là virus corona có thể lan rộng tới đâu. Đây là câu hỏi rất khó trả lời do mức độ lây lan của dịch bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm thời điểm người nhiễm virus bắt đầu truyền bệnh, thời gian truyền bệnh và thời gian virus có thể sống sót bên ngoài cơ thể người.
Một ước tính dự đoán tổng số ca nhiễm bệnh ở 5 thành phố lớn của Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và Trùng Khánh sẽ đạt đỉnh trong khoảng cuối tháng 4 và đầu tháng 5, theo mô hình máy tính của nhóm nghiên cứu ở Đại học Hong Kong. Trong suốt thời kỳ này, 150.000 ca nhiễm bệnh mới có thể được ghi nhận ở Trùng Khánh mỗi ngày do dân số đông và lưu lượng giao thông từ Vũ Hán tới Trùng Khánh. Mô hình trên cũng dự đoán số người có triệu chứng nhiễm bệnh ở Vũ Hán sẽ tăng vọt tới hơn 50.000 ca vào tuần tới. Tất nhiên, các con số có thể thay đổi nhanh chóng và ước tính của mô hình trên dựa trên nhiều yếu tố chưa chắc chắn.
Nhiều ca nhiễm bệnh diễn ra ở ngoài Trung Quốc, đặc biệt là Đức. Tính đến nay, dịch viêm phổi Vũ Hán đã lan ra 22 nước. Dù việc lây nhiễm sang nước ngoài là không thể tránh khỏi, giới nghiên cứu chưa biết chắc khi nào đợt bùng phát này đạt tới quy mô đại dịch. Để trả lời câu hỏi đó, các nhà khoa học đang tích cực tìm hiểu tốc độ lây lan từ người sang người của virus và dịch bệnh dễ truyền nhiễm nhất ở giai đoạn nào.
RO là gì?
Khả năng lan rộng của mầm bệnh phụ thuộc vào tính truyền nhiễm, có nghĩa virus có thể truyền từ vật chủ này sang vật chủ khác dễ dàng tới mức nào. Các nhà khoa học ước tính khả năng lây truyền hiệu quả từ người sang người của virus bằng cách tính toán hệ số R0.
Còn gọi là “hệ số lây nhiễm cơ bản”, R0 dự đoán số người trung bình bị lây virus từ một người nhiễm bệnh. Ví dụ, các bệnh như bại liệt, đậu mùa và rubella có hệ số R0 trong khoảng 5 – 7, có nghĩa người mắc một trong những bệnh trên có thể lây sang 5 – 7 người khác không có khả năng đề kháng với virus, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) – Mỹ. Virus sởi nằm trong số những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất hành tinh với hệ số R0 ước tính vào khoảng 12 – 18.
Trong khi giới chức y tế Trung Quốc xác nhận ngày càng nhiều ca nhiễm 2019-nCoV, các nhà khoa học trên thế giới đang gấp rút ước tính R0 của virus mới. Tuần trước, một số báo cáo đưa ra con số R0 khoảng 2-3 còn báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới ước tính R0 ở mức thấp hơn từ 1,4 đến 2,5. Vài nguồn khác dự đoán R0 ở mức trên 3,5.
Thông thường, những dịch bệnh có R0 thấp hơn 1 thường biến mất trong một quần thể dân số trước khi lan rộng bởi người nhiễm bệnh phục hồi nhanh hơn tốc độ lây truyền sang vật chủ mới của virus. “Nhìn chung, bạn thường mong muốn R0 thấp hơn 1, bởi như vậy, bạn biết dịch bệnh ở trong tầm kiểm soát”, tiến sĩ Nancy Messonnier, giám đốc Trung tâm quốc gia về miễn dịch và bệnh hô hấp thuộc CDC, chia sẻ hôm 27/1. R0 cao hơn 1 có nghĩa dịch bệnh sẽ tiếp tục lan rộng.
Con số luôn thay đổi
R0 phản ánh số người trung bình có thể bị lây từ một người nhiễm bệnh, nhưng con số đó có thể được rút ra từ nhiều tình huống khác nhau. Dịch bệnh có thể lan ra đều khắp trong cộng đồng, mỗi người nhiễm bệnh đều lây sang số người giống nhau. Tuy nhiên, việc lây nhiễm có thể diễn ra bột phát, một vài bệnh nhân lây sang rất nhiều người trong khi có người kịp phục hồi trước khi lây cho người khác.
Trong những ngày đầu khi bùng phát dịch, các nhà khoa học không thể lập mô hình lây nhiễm một cách chi tiết bởi họ có quá ít dữ liệu, theo Alex Azar, bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh Mỹ. Hơn nữa, ước tính R0 khác biệt theo từng địa phương bởi mức độ lây lan của dịch bệnh phụ thuộc người dân ở vùng dịch có thường xuyên tiếp xúc với nhau hay không. Các ước tính hiện nay về 2019-nCoV đều tương ứng với thành phố Vũ Hán, tâm điểm của dịch viêm phổi đang diễn ra.
Giá trị R0 cũng phụ thuộc vào đặc điểm của dịch bệnh, bao gồm thời gian người nhiễm virus có thể lây bệnh, những người không bộc lộ triệu chứng có thể truyền bệnh hay không và virus có thể tồn tại bao lâu bên ngoài cơ thể, theo nghiên cứu công bố hồi tháng 1/2019 trên tạp chí Emerging Infectious Diseases.
Giới chức y tế Trung Quốc báo cáo cách ly các trường hợp nhiễm bệnh từ những người không bộc lộ triệu chứng, nhưng CDC chưa đánh giá dữ liệu hoặc xác minh kết luận, Robert Redfield, giám đốc CDC cho biết hôm 28/1. Theo tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, những người có triệu chứng nhiễm bệnh phát tán virus mạnh hơn người không bộc lộ triệu chứng trong đợt bùng phát dịch bệnh hô hấp.
Cộng đồng khoa học sẽ tiếp tục điều chỉnh ước tính R0 cho virus 2019-nCoV khi có thêm dữ liệu từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, người dân có thể giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách rửa tay kết hợp đeo khẩu trang và tự cách ly ở nhà khi có dấu hiệu sốt, ho nhưng không tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.
(Theo Live Science)